Tiến trình ơn gọi năm bước

BƯỚC THỨ NHẤT
Chúa gọi trực tiếp từ trong sâu thẳm cõi lòng hay gián tiếp qua người nọ kẻ kia, hoặc Chúa phối hợp cả hai cách để nói lên kế hoạch yêu thương quan phòng của Chúa cho mỗi người.
Ứng sinh trong giai đoạn quan trọng này cần có người đồng hành cùng tìm kiếm và phân định ý Chúa, như Thầy Cả Hêli đã dặn cậu bé Samuel: “Nếu con còn nghe Người gọi, con hãy nói ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3,9).

BƯỚC THỨ HAI
Ứng sinh quảng đại chọn lựa đáp lại lời mời gọi của Chúa, trong sự để ý hai yếu tố Thích và Hợp:THÍCH là yếu tố chủ quan và tình cảm có thể nhất thời và thay đổi, HỢP là yếu tố khách quan đòi hỏi khả năng và phẩm chất để được bền lâu cho đến cùng.
Tự mình đánh giá mình, ứng sinh có thế bị ảo tưởng và sai lầm, nên cần có người đào tạo kinh nghiệm hướng dẫn để khỏi chọn lựa sai kế hoạch của Chúa.
Đây cũng là một bước rất quan trọng cần phải xét đến ý ngay lành và các động lực thúc đẩy ý hướng của ứng sinh.
Ý hướng cam kết: có khả năng đáp lại tiếng Chúa gọi, dâng hiến trọn vẹn vì Nước Trời, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trong suốt cuộc đời mình. Đây là ý hướng lý tưởng.
Ý hướng phận vụ: cần phân định cẩn thận giữa sự sẵn sàng dâng hiến phục vụ và sự tìm kiện toàn bản thân: bị giằng co trong tính lưỡng diện này tỏ lộ cái tôi còn thiếu tự do trưởng thành.
Ý hướng địa vị: tìm thăng tiến bản thân hay vì ước muốn, hoài bảo và tham vọng của người khác (thân nhân, ân nhân, kết nghĩa) coi đời tu là một thăng tiến xã hội.
Ý hướng trốn thoát: tìm kiếm sự che chở, bảo đảm an toàn từ cuộc sống tu trì.
Những người có ý hướng địa vị và trốn thoát thường không có ơn gọi đích thực, bởi vì họ thiếu trưởng thành nhân cách và sẽ dễ dàng từ bỏ hoặc phản bội sứ vụ căn bản của mình.
Nếu không thay đổi được ý hướng địa vị và trốn thoát này, nghĩa là KHÔNG THÍCH HỢP, ứng sinh nên tìm một lối sống khác thì tốt hơn là ở lại theo đuổi đời sống ứng sinh linh mục.

BƯỚC THỨ BA
Ứng sinh cam kết đi theo chính Chúa Kitô, theo Chúa Kitô chứ không phải theo ai khác. Và là Chúa Kitô toàn thể, nghĩa là Chúa Kitô vinh hiển của núi Taborê cũng như Chúa Kitô khổ nạn của đồi Golgotha, dù gặp vui hay buồn, sướng hay khổ.
Nếu gặp được người thông cảm nâng đỡ thì con đường đi theo Chúa được nhẹ nhàng hơn, còn nếu gặp phải người thiếu thông cảm thì con đường thập giá theo Chúa có nặng nề hơn, nhưng vẫn quyết tâm đi tới, không hề bỏ cuộc.

BƯỚC THỨ TƯ
Ứng sinh phải dần dần biến đổi và điều chỉnh cuộc sống mình cho phù hợp với đời sống tu trì nói chung, và nhất là phù hợp với đặc sủng và linh đạo riêng biệt mình muốn dấn thân vào: đời sống linh mục Dòng khác lối sống của linh mục triều, hay cũng được gọi là linh muc giáo phận.
Ứng sinh cần ý thức rõ nhiều động lực đang có mặt nơi anh, đồng thời cũng thấy được sự xung khắc giữa các động lực ấy và giải quyết chúng.
Động lực nào phù hợp với đời tu sẽ được dùng để thăng tiến. Động lực nào không phù hợp với đời tu thì phải loại bỏ hay biến đổi. Nếu không làm được như vậy, ứng sinh sẽ được mời ra đi.
Cuộc biến đổi tiệm tiến này được trợ giúp bởi một cuộc tìm hiểu song phương:
ứng sinh tìm hiểu xem mình có thích hợp với đời sống và sứ vụ linh mục không để dấn thân,
và Bản quyền giáo phận cùng các nhà đào tạo do ngài ủy thác cũng tìm hiểu xem ứng sinh có thích hợp không để tiếp nhận, đào tạo và cất nhắc.

BƯỚC THỨ NĂM
Ứng sinh kiên trì chu toàn bổn phận tự nhiên cũng như thiêng liêng của mình, không những trong thời gian đào tạo, mà cả trong suốt cuộc đời thi hành sứ vụ sau này sẽ được giao phó, cho dù hoàn cảnh cuộc sống có thế nào đi nữa.
Nhưng việc đầu tiên phải làm là cầu nguyện, vì việc theo đuổi được ơn gọi là điều Chúa muốn chứ không phải con người muốn mà thành. Giáo Hội cầu nguyện, Giáo phận cầu nguyện, giáo xứ cầu nguyện, gia đình cầu nguyện, nhất là chính ứng sinh cầu nguyện để mình được Chúa thương chọn gọi.
Việc thứ hai là phải vun trồng và bảo vệ ơn gọi: phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ơn gọi được triển nở, phải cất đi hay tránh xa những môi trường, những mối quan hệ gây hại cho ơn gọi, nhất là các tương quan với người khác phái trong thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay.

Bài chia sẻ của Lm. Phaolô Trần Minh Huy với anh em chủng sinh Đại Chủng Viện Vinh Thanh

(Theo DCV Vinh Thanh)

Trả lời