Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được phong Á Thánh

Hôm thứ sáu ngày 14.01.2011 Thánh Bộ phụ trách Phong Thánh của Tòa Thánh Vatican loan báo: ngày Chúa nhật thứ nhất sau lễ Phục sinh 01.05.2011, cũng là ngày lễ kính Lòng thương xót Chúa, Tôi Tớ đáng kính của Thiên Chúa, Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị sẽ được tôn vinh lên Á Thánh trong Giáo hội ở Roma…

Tin này đã mang đem đến niềm vui mừng lớn lao cho mọi người Công Gíao, và có khi còn cho cả người không Công giáo nữa, nhất là cho dân tộc nước Balan, nơi là quê hương của vị Á Thánh tương lai.

Nhưng tin vui mừng này cũng gợi cho chúng ta nhớ về người đã qúa cố.

1. Nhớ về kỷ niệm xưa

Tin vui mừng này làm ta nhớ lại đời sống cùng việc tông đồ của vị Giáo Hòang vĩ đại với hơn 26 năm đảm nhận trọng trách đứng đầu Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian.

Tin vui mừng này gợi lại hình ảnh sống động về ngày lễ an táng long trọng cảm động, nhưng cũng chan chứa tâm tình đạo đức cùng khiêm cung của một người tôi tớ Chúa ở vào địa vị cao sang thể hiện qua cỗ áo quan.

1.1. Hơn 26 năm đức cố Thánh Cha Gioan Phaolo sống là người mục tử hy sinh trọn sức lực thể xác lẫn tinh thần và dồn tất cả mọi thời giờ cho Giáo hội công giáo thế giới và nổi tiếng hầu như ai cũng nghe biết đến ngài. Nhưng khi qua đời lại chọn cho mình „chiếc giường – chiếc áo quan “ đơn sơ bằng gỗ mộc mạc.

Một gương mẫu đời sống hy sinh khiêm nhường không chỉ lúc còn sống mà cả lúc đã chết!

1.2. Hơn 26 năm là vị thủ lãnh đạo Công giáo hoàn cầu có quốc gia Vatican riêng. Nhưng khi khuất núi lại mong muốn được chôn trong trong lòng đất mẹ như tất cả mọi người, không muốn được đặt trong một lăng tẩm bằng đá cẩm thạch nổi trên mặt đất.

Một đời sống tâm niệm nhìn nhận mình là tạo vật của Ðấng Tạo Hóa: Từ bụi đất con đã được tạo thành. Và giờ đây con cũng trở về với đất bụi.

1.3. Hơn 26 năm là người kế vị Thánh Phero, thay mặt Chúa ở trần gian, có đủ mọi quyền hành tháo cởi, trói buộc cao cả. Nhưng khi chết lại mong muốn được khiêng đặt nằm trên nền đất trước bàn thờ Thiên Chúa.

Một đời sống không chỉ lúc còn sống, mà cả lúc xuôi hai tay nằm xuống cũng muốn hằng tuyên xưng: Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác đời con!

1.4. Hơn 26 năm phục vụ Giáo hội vì tình yêu Thiên Chúa và con người. Nhưng lúc chết lại chọn cho mình chiếc áo quan đóng theo một hình chữ nhật phẳng lì, không chạm trổ góc cạnh, sơn phết, không cờ quạt bông hoa bao phủ.

Một đời sống chân thành không muốn để mình bị những lớp hào nhoáng bóng bẩy che lấp, làm lu mờ xa Thiên Chúa và xa con người.

1.5. Hơn 26 năm là Giáo hoàng của Giáo hội được kính trọng, được tung hô vạn tuế. Nhưng lúc qua đời lại mong muốn chỉ có cây Thánh Gía Chúa Giêsu đóng gắn trên mặt tấm áo quan và cây nến Chúa Giêsu Phục sinh duy nhất dựng bên cạnh chiềc áo quan của mình.

Một đời sống thấm nhuần đức tin vào Thánh giá và ánh sáng Chúa Phục sinh không chỉ tuyên xưng lúc còn sống, nhưng cả lúc chết cũng hằng trung tín với. Ánh sáng Chúa Phục sinh soi đường dẫn lối trong cuộc đời và cũng ánh sáng đó dẫn đưa trở về nhà Cha trên trời.

1.6. Hơn 26 năm đi tìm kiếm đến với con người, sống làm chứng cho tình yêu của Chúa. Nhưng lúc chết không muốn có một vòng hoa, một dòng chữ băng vải tưởng niệm nào chăng mắc xung quanh quan tài mình. Chỉ có cuốn Phúc âm của Chúa đặt nằm bên trên

Một đời sống dấn thân hoàn toàn cho Chúa khi còn sống cũng như lúc đã qua đời. Bầu khí không bông hoa đèn nến trướng vải có vẻ khô khan cứng lạnh. Nhưng những trang trí hình thức đó không cần thiết, không thêm gì cho tình yêu Chúa. Phúc âm mới là nền tảng cho đời sống ra khơi làm nhân chứng.

1.7. Hơn 26 năm thu hút hấp dẫn người trẻ khắp thế giới. Nhưng lúc qua đời chỉ có tấm hình Chúa Giêsu sống lại căng trên đỉnh đầu chiếc áo quan.

Một đời sống chỉ biết làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh (xx. Cv 1,22). Chính Chúa phục sinh gây lòng hào hứng phấn khởi cho người Trẻ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Vị Giáo hoàng chỉ là dụng cụ được Ngài dùng để sống và nói với người trẻ về Ngài.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo qua đời rồi mà vẫn muốn gần gũi, muốn sống tình liên đới với thiên nhiên, với con người như khi lúc còn sống. Sức sống chân thành nội tâm đó có sức cảm hóa thu hút lòng người. Ðây là một người, như xưa kia Chúa Giêsu đã nói với Nathanael „ có lòng dạ đơn sơ chân thành ngay thẳng“ ( Ga 1, 47)

2. Đài kỷ niệm

„Những gì khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn người khác là (đài)kỷ niệm đẹp nhất của một người để lại.“ (Albert Schweitzer)

Trong di chúc để lại, đức cố Thánh Cha Gioan Phaolô viết: „ Cha không để lại tài sản nào cần thiết phải phân chia“.

Nhưng ngài đã để lại rất nhiều: Một gia sản tinh thần khổng lồ!

Những bài suy tư, những bài giảng, những thư ngài viết, những câu nói chân thành đạo đức tình người, những thông điệp tông huấn, cả những nụ cười, những lời nói vui đùa của ngài với hết mọi lớp người trong những cuộc gặp gỡ. Những lời của ngài để lại hướng dẫn chỉ đường và theo đó con người có thể phác họa một nếp sống đức tin vào Chúa và tình người với nhau.

Và ngài còn để lại một mẫu đài kỷ niệm tuyệt vời: Hình ảnh chiếc áo quan bằng gỗ đơn sơ mộc mạc, trong đó ngài nằm xuôi hai tay!

Hai kỷ niệm này ghi khắc sâu đậm mãi mãi trong trái tim tâm hồn con người.

Trăm nghìn triệu Bạn trẻ đến với ngài, muốn cùng thông cảm sự đau khổ lúc ngài trên giường bệnh hấp hối và ngày lễ an táng. Vì họ cảm thấy ngài và họ cùng liên kết trong tình nghĩa cha con. Họ cảm thấy mang nợ với ngài

Xưa kia ngài đã đi tìm kiếm đến thăm họ. Giờ đây họ có nghĩa vụ tinh thần đến thăm ngài, đến tiễn đưa ngài.

Xưa kia ngài chỉ dẫn họ cách sống đức tin cách cầu nguyện ở những kỳ Ðại hội Giới Trẻ thế giới. Giờ đây họ đến trước sân nhà ngài chắp tay đốt nến đọc kinh cho ngài.

Xưa kia ngài giơ vòng tay ra phía trước rộng mở đón chào họ. Giờ đây nghe đến tên ngài, nhìn thấy quan tài bao bọc ngài, họ dùng đôi bàn tay vỗ thành tiếng âm vang như muốn gào lên: Chúng con xin chào cha!

Xưa kia ngài hằng cổ võ tinh thần họ: các con Bạn Trẻ là tương lai của xã hội và Giáo hội! Giờ đây họ căng biểu ngữ viết lên tâm tình: „ Santo Subio“ Xin hãy tôn vinh phong thánh cho đức thánh cha của chúng ta!

Ðức cố Thánh cha Gioan Phaolo đã đến với con người, với người trẻ bằng trái tim vui tươi niềm nở, đã nói với họ bằng ngôn ngữ tình yêu đơn giản dễ hiểu.

Bây giờ chết rồi, ngài cũng còn nói bằng ngôn từ dễ hiểu nhất: chiếc quan tài bằng gỗ đơn sơ mộc mạc đặt nằm trên nền đất.

Hình ảnh (đài) kỷ niệm này ghi khắc sâu đậm nhất trong trái tim lòng người hơn cả.

3. Santo Subio

„Vox Populi, Vox Dei“ – Ý dân là ý Trời!“ không biết thành ngữ tiếng Latinh này có đúng cho hết mọi hoàn cảnh trường hợp không. Nhưng trong thánh lễ an táng đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị những người trẻ đã trương căng rừng biểu ngữ viết thành chữ cùng lớn tiếng hô lên Santo Subio – Xin hãy phong Thánh cho đức Giáo hòang của chúng ta!

Tiếng nói cùng lời viết trên những biểu ngữ đã được Giáo Hội lắng nghe thâu nhận với tâm tình vui mừng tạ ơn Thiên Chúa, cùng nhanh chóng đưa vào nghị trình thực hiện như ý con người cầu mong kêu xin.

Ngay trong Thánh lễ an táng, trước cỗ áo quan của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II., ngước mắt lên trời đồng thời nhìn về phía cửa sổ của ngôi nhà, nơi Đức Giáo Hoàng đã ở từ 26 năm cho tới khi qua đời, Đức Hồng Y Giuse Ratzinger, người chủ sự Thánh lễ, bây giờ là đương kim Giáo Hòang Benedictô thứ 16, trong bài giảng đã nói lên tâm tình tương tự: „ Chúng ta có thể tin chắc rằng, Đức Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta giờ đây đang đứng nơi cửa sổ ngôi nhà Thiên Chúa Cha chúng ta trên trời, ngài đang nhìn chúng ta và chúc lành cho chúng ta.“

Vị Giáo Hoàng vĩ đại Gioan Phaolô đệ nhị qua đời ngày 02.04.2005, theo luật lệ thông thường trong Giáo Hội, 05 năm sau khi qua đời, người đó mới được mở vụ án phong Chân phước. Nhưng Giáo Hội lần này đã theo ngoại lệ luật trừ. Nên ngay ngày 28.06.2005 đã bắt đầu mở tiến trình thu thập hồ sơ chứng cớ phong Á Thánh cho ngài.

Ngày 02.06.2005 Nữ Tu Marie Simon Pierre Normand được chữa lành bệnh Parkinson nhờ lời bầu cử của đức cố Giáo Hoàng Phaolô đệ nhị. Phép lạ này đã có tiếng vang trong Giáo Hội và toàn thế giới và được ủy ban y khoa chứng minh công nhận. Và Giáo Hội sau khi đã khảo nghiệm suy xét, đã công nhận phép lạ này do Thiên Chúa đã thực hiện qua lời bầu cử của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị cho con người trên trần gian.

Ngày 19.09.2009 Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đã nâng ngài lên hàng Venerabilis Dei servus – Tôi Tớ đáng kính của Chúa, vì nhân đức anh hùng của ngài. Đây là bước thứ nhất chuẩn bị cho việc tôn phong lên bậc Á Thánh trong Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Sau cùng ngày 11.01.2011 trong Hội nghị các Hồng Y và các Giám Mục của Thánh Bộ Phong Thánh đã đồng thanh công nhận sự kiện nữ tu Marie Pierre Simon Normand được chữa lành bệnh Parkinson là phép lạ được giới khoa học công nhận, qua lời bầu cử của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị., vị Giáo Hoàng được vị nữ tu này cùng nhiều người tín hữu tin tưởng cầu xin kêu van.

Thánh Bộ đã đệ trình Đức Giáo Hoàng Benedicto 16. xin phong Á Thánh cho Tôi Tớ đáng kính của Chúa, Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị vào ngày 01.05.2011 tới.

Vị Giáo Hoàng vĩ đại Gioan Phaolô đệ nhị của thế kỷ 20. và 21, đã trở về với cát bụi từ hơn 05 năm nay. Nhưng hình ảnh cùng công việc làm, tư tưởng tâm tình của ngài đã đi vào lịch sử con người, vào tận trái tim lòng người.

Giáo Hội Công Giáo đã chọn ngày Chúa Nhật 01.05.2011 sau lễ Phục sinh, ngày lễ kính Lòng thương xót Chúa phong ngài lên bậc Á Thánh.

Ngày lễ kính Lòng Thương xót Chúa do chính ngài lúc còn sinh thời đã lập ra. Và ngài đã được Chúa gọi trở về đời sau cũng vào buổi chiều tối trước ngày Chúa nhật lễ kính Lòng thương xót Chúa năm 2005.

Đây không hẳn chỉ là sự trùng hợp, là một kỷ niệm tốt lành thánh đức, nhưng còn mang ý nghĩa sâu đậm về đức tin đạo giáo nữa: Lòng thương xót Chúa vẫn luôn hằng bao phủ đời sống con người trên trần gian.

Ký gỉa Peter Seewald trong cuộc đàm thọai với Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đã đặt câu hỏi: „Thánh nữ Faustina Kowalska, người đã được Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị tuyên phong lên hàng các Thánh trong Giáo Hội. Ngày xưa khi vị nữ tu này còn sinh thời trong một thị kiến đã được nghe tiếng Chúa Giêsu nói chỉ dạy: Con chuẩn bị cho thế giới về ngày trở lại của Ta“. Chúng ta có phải cho những lời đó là khẩn thiết không?

Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. trả lời: „ Nếu người ta theo biên niên sử, như bây giờ chúng ta nghĩ hiểu là phải sắp sửa cho sự trở lại của ngài, như thế không đúng. Nếu người ta hiểu theo nghĩa đạo đức tinh thần, Thiên Chúa luôn luôn sẽ đến và chúng ta luôn hằng sửa soạn cho việc ngài đến, ngay khi nếu chúng ta dựa vào lòng thương xót của Ngài và để cho Ngài dậy dỗ uốn nắn chúng ta, thì việc này đúng. Để cho lòng thương xót Chúa uốn nắn đào tạo như sức mạnh chống lại sự nhẫn tâm không có lòng thương xót trong đời sống ở trần gian – như thế có thể nói được là sự chuẩn bị sửa soạn cho sự trở lại của Chúa và cho lòng thương xót của Ngài.“

Benedickt XVI., Licht der Welt, Ein Gespräch mit Peter Seewald, Herder Freiburg im Breigau 2010, 2. Auflage, Seite 210.

Tôn phong Đức cố Gíao Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị vĩ đại lên bậc Á Thánh cũng đồng thời là việc cổ võ đời sống đức tin vào Lòng thương xót Chúa.

Trả lời