SỐNG ÍCH KỶ- CĂN BỆNH CỦA XÃ HỘI

     Trong xã hội, đặc biệt ngày hôm nay, yêu thương trở thành tâm điểm rất được chú ý của dư luận và cộng đồng xã hội. Vì có một thực trạng rất đáng báo động, đó là: Có rất nhiều người đang sống trong sự ích kỷ, chỉ vì tư lợi của bản thân mà chẳng quan tâm tới mọi người xung quanh. Hiện trạng này lan tỏa ra từ trong mỗi gia đình nhỏ bé đến cộng đồng xã hội rộng lớn. Nó biến những con người “Nhân tri sơ, tính bản thiện” trở thành những con người ích kỷ, người thừa của xã hội. Hiểu được tính cấp thiết và những nguy hại rất lớn của vấn đề này nên Ra-đép đã đưa ra một nhận định: “Khi con người ta sống chỉ vì mình thì trở thành người thừa đối với những người còn lại”. Ta cùng đi vào bàn luận về lối sống ích kỷ được đề cập trong nội dung của câu nói trên của Ra-đép.

Trước khi đi vào bàn luận vấn đề trên, ta cần phải hiểu được: Thế nào là sống chỉ vì mình và thế nào là người thừa. Trước hết, sống chỉ vì mình nghĩa là sống chỉ lo cho bản thân mà chẳng quan tâm tới người khác, không giúp đỡ, hỗ trợ mà chỉ muốn vun vén những tư lợi cho bản thân mà thôi. Còn, người thừa nghĩa là một người sống giữa mọi người nhưng không ai thèm quan tâm, vai trò của họ không có giá trị trong cộng đồng. Họ bị loại ra ngoài như những đồ dùng không còn khả năng sử dụng hoặc không thể sử dụng. Như vậy, Ra-đép qua câu nói của mình ông muốn truyền tải một nội dung: Khi một người sống mà chỉ biết đến bản thân, chỉ biết lo vun vén, tìm tư lợi cho chính mình mà không quan tâm đến người khác, sống giữa cộng đồng mà chỉ tách biệt cộng đồng, có một lối sống ích kỷ. Những người đó sẽ bị loại ra bên lề của cộng đồng. Họ bị đào thải, vứt bỏ, và coi thường. Vì, họ không có ích lợi gì cho cộng đồng. Họ trở nên cô độc, lạc lõng, và bị khinh chê như những đồ thừa thãi của cộng đồng.
Nhận định trên của Ra-đép hoàn toàn đúng. Một câu nói rất sâu sắc, mang tính giáo dục rất cao. Một lời cảnh tỉnh cho mọi người trong toàn xã hội.
Trong thực tế, thói sống ích kỷ được thành tạo từ chính những tiền tố và nhân tố đến từ xã hội và trong chính bản chất của con người. Trước hết, thói sống ích kỷ được hình thành từ chính cá tính của con người. Chủ nghĩa bản thân, cái tôi quá cao- một hậu quả nặng nề của tội nguyên tổ. Chính nguyên tổ loài người đã để cho cái tôi, cá tính của bản thân vượt lên quá cao. Nó cao tới mức, con người quay lưng phản bội Thiên Chúa. Cái tôi đã giết chết bản tính nguyên tuyền của con người và trở nên những kẻ tội nhân, những kẻ ích kỷ với chính Thiên Chúa và bản thân. Cuộc đời con người chỉ lo tìm những thứ giúp thỏa mãn bản thân mà chẳng quan tâm tới hậu quả, hay lợi ích cho cộng đồng đang chứa đựng họ.
Tiếp đến, thói sống ích kỷ đặc biệt xuất hiện ở nhiều người trong xã hội hôm nay là do một hệ lụy không mong muốn của các cuộc Cách mạng kinh tế, công nghiệp. Các cuộc cách mạng diễn ra khiến con người có đời sống kinh tế, khoa học kỹ thuật rất tiến bộ và được nâng cao rất nhiều. Nó là hệ lụy bởi vì: Khi đời sống vật chất được cải thiện và nâng cao thì hệ quả đối nghịch là các giá trị tinh thần đi xuống. Cụ thể, khi có đủ điều kiện về vật chất thì con người chỉ lo thỏa mãn đam mê, hưởng thụ, dục vọng… Mỗi người tự tìm cho bản thân một góc riêng tư, một cái “lồng” để tự “nhốt” bản thân vào đó. Họ không muốn tiếp xúc quá nhiều với mọi người xung quanh. Căn phòng “kín cổng, cao tường” và những món công nghệ hiện đại trở thành Cha mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp… Một nguyên nhân lớn của thói sống ích kỷ.
Mặt khác, con người ngày hôm nay đang sống trong một xã hội quá nhiều gian dối, lừa lọc, quỷ quyệt. Vì vậy, họ mất niềm tin vào chính những người xung quanh họ và cả những người khác lạ họ gặp. Đó là nguyên nhân cũng rất nguy hiểm của thói sống ích kỷ. Khi bị mất niềm tin vào mọi người, xã hội, họ đi vào lối sống luôn thủ thế. Họ cảnh giác với tất cả những ai họ gặp dù rất quen. Ngoài ra, có một giải pháp rất đáng buồn được nhiều người lựa chọn là tự loại mình ra khỏi xã hội- tức là chủ động sống đơn độc, chấp nhận sống không cần cộng đồng, không muốn liên hệ với bất cứ ai. Thật là những nguyên nhân tai hại tạo ra thói sống ích kỷ, cá nhân cho nhiều người!
Chính do những nguyên nhân lớn trên và còn một sống nguyên nhân nhỏ khác nữa, đã tạo nên một thói sống đáng lên án và rất cần sự quan tâm của cả xã hội. Vì thói sống này đã tạo ra rất nhiều những tác hại không đáng có từ trong cộng đồng rộng lớn là xã hội cho đến cộng đồng nhỏ nhất là gia đình và trong mỗi người.
Đầu tiên là phạm vi xã hội. Thói sống ích kỷ của nhiều người đã tạo nên những lối hành xử rất thiếu nhân văn, mất hết tính người. Người ta dửng dưng trước mọi hoàn cảnh, sự việc xảy ra trong cuộc sống. Nó được gọi là lối hành xử, lối sống vô cảm. Có nhiều ví dụ làm rõ điều này. Trong thời gian gần đây, nếu theo dõi Facebook, ta dễ dàng thấy những vụ việc đáng lên án mà căn nguyên của nó là do sự ích kỷ của con người như: Vụ hội bia của người dân Đồng Nai khoảng giữa năm 2014 hoặc những vụ chụp hình, quay clip những nạn nhân xấu số bị tai nạn giao thông. Trong khi họ đau đớn vì những vết thương chí mạng thì mọi người chỉ đứng nhìn, thâm chí nhiều người mất nhân tính tới mức còn chụp hình và đăng Faceboọk để lấy những lượt Like, view, comment rẻ tiền, giả tạo. Tệ hại hơn, vì sự ích kỷ, tư thù cá nhân, ba thanh niên vốn trẻ trung, hiền lành đã gây lên vụ thảm án “trời không dung, đất không tha” tại Bình Phước vào thánh 7 năm 2015.
Trong phạm vi nhỏ hơn là gia đình, ích kỷ cũng gây ra biết bao nhiêu tác hại không thể kể hết. Ích kỷ khiến các gia đình mất đi sự yêu thương và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Cha mẹ tối sáng chỉ lo kiếm những đồng tiền. Đồng tiền trở thành cha mẹ, con cái lúc nào họ không hay biết. Con cái thiếu vắng tình thương cha mẹ. Suốt ngày, chúng chỉ lo dán mặt vào trong màn hình máy tính, tivi, Ipad… Những thứ công nghệ kia trở thành Cha mẹ của chúng. Cả gia đình không còn những thời giờ ngồi bên nhau, mỗi người một góc. Ngôi nhà trở thành cái công viên: Ai đến, chẳng biết; ai đi, không quan tâm.
Cuối cùng, ích kỷ trong mỗi con người cũng tệ hại không kém. Sống ích kỷ sinh ra căn bệnh mà rất nhiều bạn trẻ ngày nay gặp phải là bệnh tự kỷ. Họ xa lánh mọi người, mọi người cũng xa lánh họ. Cũng vậy, có nhiều người sống rất ích kỷ. Họ sống chẳng biết tới ai “Của mình thì giữ bo bo; Của người thì để cho bò nó ăn”. Họ nhận từ người khác với thái độ thiếu biết ơn, vô tâm. Họ trao ban như cà phê nhỏ giọt và với thái độ khinh khi, thiếu tôn trọng, “Của người Bồ Tát, của mình lạt buộc”. Họ ghét bỏ mọi người và họ cũng bị chính cộng đồng ghét bỏ.
Như vậy, khi thấy được những nguyên nhân và chỉ ra được hậu quả của thói sống ích kỷ, ta cần làm gì để khắc phục hệ lụy của nó? Trước hết, ta cần phải tập sống quan tâm mọi người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong sức lực, khả năng có thể. Ta làm việc đó với sự chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, khó khăn, vất vả với mọi người xung quanh. Ta tập sống mở lòng, tích cực: sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng cho đi xuất phát từ tình thương và lòng mến. Những việc làm đó không cho phép giới hạn trong một phạm vi cụ thể nhưng phải khởi đi từ chính bản thân, trong gia đình, xứ đạo, thôn xóm, và ra ngoài xã hội rộng lớn. Ngoài ra, ta cũng phải chủ động sống biết nghĩ cho người khác: Cho khi họ chưa xin, mở cửa khi họ chưa gõ giống như Thiên Chúa là Đấng đi trước đã làm. Sống vui tươi, cởi mở, rộng lượng, bác ái.
Tuy nhiên, xã hội nào cũng có người tốt, kẻ xấu; người hoàn hảo, kẻ bất toàn. Thói sống ích kỷ cũng vậy, xã hội vẫn còn rất rất nhiều những người sống luôn biết yêu thương, sống hết lòng vì người khác. Rất nhiều người quan niệm là sống phải biết cho đi. Họ không sống chỉ vì bản thân họ. Họ là những người làm bác ái, giúp đỡ kẻ liệt, người già. Họ là những người phục vụ, chăm sóc những người bị loại ra ngoài lề xã hội. Họ dành thời gian sống để sống cho người khác; dành sức khỏe để lo cho sức khỏe người khác; dành vật chất để người khác đỡ chật vật hơn; dành tình thần để nâng cao tinh thần cho mọi người. Đó là những điều rất quý mà xã hội mọi thời đều rất rất cần.

Tóm lại, khi ta sống trong bất kỳ xã hội nào, khi ta chỉ sống vì mình mà thôi thì đương nhiên ta sẽ bị xã hội loại bỏ, đào thải, trở thành người thừa của xã hội và chính gia đình mình. Câu nói trên của Ra-đép nhắc nhở chúng ta cần phải bài trừ thói sống ích kỷ. Mặt khác, ta phải tăng cường hơn nữa việc sống tích cực, sống yêu thương để trở thành những con người hữu ích, có đạo đức ngay với bản thân, gia đình, và ngoài xã hội. Sống là phải vì người khác, phải làm cho người khác thì mới mong mọi người làm cho mình. Đúng như lời dạy thấu tình, đạt lý của Chúa Giêsu: Việc gì con muốn người ta làm cho con thì chính con hãy làm cho người ta. (x. Mt 7, 12)

Tác giả: Thomas. Phạm Quốc Doanh

Trả lời