MỘT TƯ TƯỞNG BÌNH DÂN VIỆT NAM VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

tình yêu gia đình

tình yêu gia đình

Vợ chồng là nghĩa tào khang, Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui. Sinh con mới ra thân người, Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

 

Đây có lẽ là áng văn hay nhất mà ta có thể tìm được để đọc và hiểu tư tưởng Việt Nam về hôn nhân và gia đình. Hôn nhân đặt căn bản ở đâu? Có mục đích gì? Gia đình có sứ mệnh nào? Đó là bốn câu hỏi chính mà, nếu đọc kỹ bài thơ trên, ta sẽ tìm được nhiều yếu tố trả lời rất sâu xa, chắc chắn và vắn gọn súc tích.

Bốn câu thơ được diễn tả dưới thể thơ lục bát, là thể văn thông dụng nhất và bình dân nhất của văn Việt Nam: tư tưởng bình dân được diễn tả qua thơ bình dân. Bốn câu thơ chuyên chở bốn ý tưởng lớn và chỉ dùng thể khẳng định, giống như những phán quyết chắc chắn. Một liên từ, liên từ “mới”, có tính cách lý luận. Liên từ này nối hai câu đầu với hai câu sau. Tư tưởng đầu tiên “Vợ chồng là nghĩa tào khang” là một phán quyết khẳng định như là một sự thật hiển nhiên. Tư tưởng thứ hai “Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui” là một mệnh lệnh có tính cách luân lý. Như có ý bảo: chồng phải hòa, vợ phải thuận, nhà phải thường và tất cả phải yên vui.

Nói theo kiểu toán học, thì tư tưởng thứ nhất “vợ chồng là nghĩa tào khang” là một định lý. Tư tưởng thứ hai “chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui” là một định đề. Cả hai tư tưởng làm nên phần thứ nhất của bài thơ và là tiền đề lý luận để đi đến luận chứng của phần thứ hai, hậu quả của phần thứ nhất. Có hai hậu quả. Hậu quả thứ nhất là “sinh con mới ra thân người”. Và hậu quả thứ hai là “làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no”.

Dùng phương pháp giảng văn, sau đây tôi sẽ phân tích từng chữ, từng câu, từng vế bài thơ hầu đọc kỹ bài thơ để tặng các đôi bạn đang lên đường vào hôn nhân và biếu các cha mẹ đã trải qua một chặng đường gia đình.

I. Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui. 

Chúng ta hãy khởi sự phân tích hai câu thơ đầu, cũng là phần thứ nhất của bài thơ.

1. Vợ chồng là nghĩa tào khang 

Vợ chồng là sự nối kết của hai người nữ nam bằng tình dục và tình yêu, qua hôn nhân, để cùng chung sống với nhau, cùng chia sẻ và cùng giúp đỡ lẫn nhau.

Vợ là người đàn bà có chồng. Người đàn bà có chồng là người đàn bà nối kết và ăn ở với người đàn ông bằng tình yêu và tình dục một cách công khai qua hôn nhân. Người vợ khác với cô bồ, khác với người tình nhân. Cô bồ và người tình nhân chỉ là những người đàn bà thương yêu người đàn ông, hoặc được người đàn ông thương yêu. Người vợ cũng khác với gái hoang, gái điếm, và người đàn bà ngoại tình, dâm phụ. Những người này chỉ là những người đàn bà nối kết với người đàn ông bằng tình dục ngoài hôn nhân.

Chồng là người đàn ông có vợ. Người đàn ông có vợ là người đàn ông nối kết và ăn ở với người đàn bà bằng ái tình và tình dục một cách công khai qua hôn nhân. Người đàn ông yêu người đàn bà không qua hôn nhân gọi là người lãng mạn. Và người đàn ông làm tình với người đàn bà ngoài hôn nhân gọi là gã sở khanh, hay kẻ chơi điếm hay gian phu.

Vợ chồng, như vậy, là một định chế xã hội, cũng gọi là hôn nhân, để chính thức và công khai chấp nhận nhu cầu tình yêu và tính dục của một người nam, con trai và một người nữ, con gái.

Vợ chồng là một trong năm đẳng cấp xã hội cổ truyền. Nếu đạo quân thần trọng ở chữ trung, đạo phụ tử nặng ở chữ hiếu, cũng như đạo huynh đệ trọng ở chữ đễ và đạo bằng hữu nặng ở chữ tín, thì đạo vợ chồng sâu ở chữ nghĩa. Đó là ý nghĩa của thành ngữ “nghĩa tào khang”.

Nghĩa là một trong năm đức thường của người ta. Đó là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ngược với chữ lợi, chữ nghĩa chỉ đức tính tốt, làm theo điều phải. Chữ nghĩa hàm chứa tính cách bất vụ lợi như “nghĩa cử”, tính cách trung thành và hy sinh như “nghĩa bộc”, “nghĩa tử”, “nghĩa hữu”, tính cách khí khái, hăng hái, dấn thân như “nghĩa khí”. Trong mạch văn “vợ chồng là nghĩa tào khang”, mà vợ chồng là một định chế, chữ nghĩa, là đức tính căn bản của vợ chồng, đã được dùng để định nghĩa cho hôn nhân. Nó là một tương quan trong năm tương quan: Trung, Hiếu, Nghĩa, Đễ, Tín. Nó là một định chế trong năm định chế: Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ, Huynh Đệ, Bằng Hữu. Chữ nghĩa ở đây bao hàm ý nghĩa của một định chế tốt, phải đạo, được xã hội công nhận.

Tào khang là một từ ngữ rút ra từ câu trả lời của Tống Hoàn Công cho vua Quang Võ. Số là vua Quang Võ có người em gái góa chồng, tên là Hồ Dương công chúa. Bà này đem lòng yêu thương quan Tống Hoàn Công và nhờ anh là vua Quang Võ dạm hỏi, mối mai. Vua Quang Võ bèn kiếm dịp gạ hỏi xem ý Tống Hoàn Công thế nào. Ngày kia, vua hỏi Tống Hoàn Công rằng “Trẫm nghe thiên hạ nói giầu đổi bạn, sang đổi vợ. Vậy ý khanh thế nào?” Tống Hoàn Công là người có nghĩa, có đức độ và đã có vợ, lấy nhau từ thuở hàn vi, bèn trả lời rằng: “Tào khang chi thê bất khả hạ đường, bần tiện chi giao mạc khả vong”, nghĩa là vợ chồng lấy nhau từ lúc khổ cực chẳng nên bỏ, bạn bè kết giao từ thuở hèn chẳng nên mất. Tào khang dịch là khổ cực là dịch theo nghĩa bóng. Nghĩa đen “tào” là cái máng, cái chậu cho súc vật ăn, “khang” là cám gạo. Có người đọc chữ “tào” là “tao”. Chữ nho là một chữ. Nhưng dịch sang chữ việt, “tao” có nghĩa là cái hèm rượu. Xét ra ít hợp lý hơn là chữ “tào”.

“Nghĩa tào khang”, như vậy, là một định chế phải đạo, lấy sự hy sinh, trung tín, chung thủy làm đầu.

“Vợ chồng là nghĩa tào khang”, bởi vậy, là một định nghĩa vừa sát thực, vừa lý tưởng. Sát thực, vì vợ chồng là một định chế mà xã hội chính thức và công khai cho phép và công nhận nam nữ yêu thương và ái ân, thỏa mãn hai nhu cầu tình yêu và tình dục. Lý tưởng, vì định chế vợ chồng buộc hai người nam nữ đã nối kết ăn ở và gắn bó phải chung thủy với nhau, lúc hèn cũng như lúc sang, lúc nghèo cũng như lúc giầu, lúc cực cũng như lúc sướng. Lý tưởng này cũng là mục tiêu thứ nhất của hôn nhân vợ chồng.

2. Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui 

Chồng hòa là chỉ cách cư xử chính yếu của người chồng. Chữ “hòa” trước nhất có nghĩa là vừa phải, không quá trớn như “điều hòa”, không có cạnh tranh xung đột như “hòa bình, “hòa thuận”. Chữ “hòa” ở đây có tương quan chặt chẽ với chữ “trung dung”. Trung dung là sách của thày Tử Tư, dậy cách cư xử theo lẽ phải. Cái lẽ phải không thể định trước được, mà phải tùy theo việc, làm cho hợp với thời thế, với nhân sinh và với lương tâm của mình. Quá cái lẽ phải, đó là thái quá. Chưa đúng với lẽ phải, đó là bất cập. “Hòa nhi bất đồng” hòa hợp với mọi người mà không đồng hóa với ai, đó là tôn chỉ của chữ “hòa”. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vừa là chiến lược cư xử của Tôn Tử, vừa là kết quả của cách cư xử hòa ấy. Đó là trên thì hợp ý trời, dưới thì được may mắn thuận lợi, và với mọi người thì được lòng ưng thuận. “Cao bằng thấp vừa”, đó là cách diễn tả xã hội của chữ “hòa”, biểu diễn một cách cư xử hàng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Vợ thuận là chỉ đức tính căn bản của người vợ. Chữ “thuận” có nghĩa là theo, bằng lòng theo, phục theo. Chữ “thuận” đây ở mức đạo, là “thuận đạo”, hàm ý nghe theo, sống theo, chết theo. Trước đó, có thuận cảm, thuận tình. Bởi đó, có ba mức thuận. Thuận cảm thường ở thuở sơ giao, mới gặp. Cảm vì đức, cảm vì tài, cảm vì dung mạo tính tình dễ thương, cảm vì gia thế, cảm vì chí khí. Chữ cảm này thường biểu lộ một sự thích thú, khoái chí, thèm muốn. Khi cô trả lời cậu là “hổng thèm đâu”, là đã có thèm một tý rồi. Sau mức thuận cảm thì có thuận tình. Tình đây là tình nhớ, tình thưa, tình gởi, tình thương, tình tìm, tình trao. Khi cô thấp giọng khẽ thưa “dạ chịu”, là cô biểu lộ một sự bằng lòng đắm say vậy. Thuận cảm và thuận tình là hai chữ thuận đưa đến chữ thuận thứ ba: Thuận đạo, được xác định một cách qui củ qua chữ “tòng phu”, theo chồng.

Nho giáo dậy người đàn bà chữ tam tòng, tứ đức. Bốn đức là công, dung, ngôn, hạnh. Tam tòng là theo cha, theo chồng, theo con. Chữ “vợ thuận” đây hàm chứa đức thuận tòng của người vợ đối với người chồng. Thực ra chữ thuận luôn đi đôi với chữ hòa. Nếu có chồng hòa thì đương nhiên có vợ thuận. Và nếu có vợ thuận thì ắt có chồng hòa.
Nhà nghĩa đen là cái nhà để ở, nghĩa bóng là gia đình. Nếu hôn nhân vợ chồng là một định chế có tính chất khế ước, có tính cách pháp luật, thì gia đình là một định chế có tính cách tương quan, cộng đoàn chung sống dưới một mái nhà. Nếu hôn nhân vợ chồng chỉ là định chế nối kết người nam và người nữ, thì gia đình là một định chế sản sinh và qui tụ nhiều thế hệ khác nhau, có thể đến tam nhân: vợ chồng, cha con, anh em; thậm chí có thể lên đến cửu tộc: cao, tằng, tổ, khảo, kỷ thân, tử, tôn, tằng, huyền: cố tổ, cố nội, ông nội, cha, mình, con, cháu, chút, chít.

”thường yên vui” là thường xuyên được yên vui, yên vui hạnh phúc là lẽ bình thường, lẽ tất nhiên.

Nhưng chữ “thường” cũng có thể hiểu là đạo ngũ thường, tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. “Nhà thường” là gia đình giữ đạo ngũ thường. Có lẽ hiểu theo nghĩa này thì đúng ý sâu xa của câu thơ hơn, vì nó đi từ hai yếu tố tiên khởi cấu thành, là “chồng hòa” và “vợ thuận”, đến toàn thể cộng đoàn là “nhà thường”. Và cả câu thành ý nhị hơn: chồng hòa, vợ thuận, gia đình đạo đức, đó là an vui hạnh phúc vậy.

Như vậy, “chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui” là mục tiêu thứ hai của hôn nhân vợ chồng: xây dựng một gia đình hạnh phúc. Gia đình có thề chỉ là vợ chồng, hoặc bao gồm cả tam thân cửu tộc. Muốn đạt được hạnh phúc ấy, chồng phải hòa, vợ phải thuận và gia đình phải có đạo đức ngũ thường.

II. Sinh con mới ra thân người
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no. 

Liên từ “mới” giới thiệu một sứ mệnh sẽ đạt thành, một kết quả sẽ hái được. Sứ mệnh và kết quả này tùy thuộc vào những nguyên nhân tiên quyết ở trước. Hai kết quả hay sứ mệnh sẽ đến là sinh được con cái được dậy dỗ đầy đủ để ra thân người và có công ăn việc làm phát đạt để ấm no suốt đời cha con. Hai kết quả này tất nhiên sẽ đạt được, nếu có hai nguyên nhân trên, là vợ chồng chung thủy và gia đình hòa thuận hạnh phúc. Nói khác đi, nếu vợ chồng chung thủy và gia đình hòa thuận hạnh phúc thì mới có được con cái thành người và làm ăn phát đạt ấm no đời đời.

1. Sinh con mới ra thân người

Sinh con. Chúng ta lưu ý ở đây một sự kiện mới đã xuất hiện: sự sinh con. Tên gọi vợ chồng đã được thay đổi bằng tên gọi cha mẹ. Định chế hôn nhân vợ chồng đã được hoàn hảo bằng định chế gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà câu thơ thứ nhất dùng chữ vợ chồng, đến câu thơ thứ hai dùng chữ nhà và để câu thơ thứ ba dùng chữ sinh con.

Sinh con là một trong cửu tự cù lao, chín chữ siêng năng khó nhọc của bậc cha mẹ: cha sinh (sinh), mẹ đẻ (cúc), vỗ về (phủ), dậy dỗ cho khôn ngoan (dục), trông nom (cố), quấn quít dấu yêu (phục), nâng đỡ nhắc bảo (phủ), nuôi dưỡng cho lớn (súc), và bồng bế (phúc). Cửu tự cù lao đồng nghĩa với việc giáo dục hiểu theo nghĩa rộng, mà việc sinh sản là khởi đầu.

Theo sinh học thì sinh con là việc tự nhiên. Theo tâm lý xã hội học thì sinh con là một nhu cầu truyền sinh để bảo vệ dòng giống. Theo đạo lý Việt Nam thì sinh con là một điều quí, mà ai cũng mong muốn có và có nhiều. Bởi vậy, mới có lời chúc “tam đa”, “ngũ phúc” vào dịp cưới hỏi và được lập lại hàng năm vào dịp tết nhất. Ba cái nhiều ta hằng chúc nhau là “đa tử, đa tôn, đa phú quí”, nhiều con, nhiều cháu, nhiều giầu sang. Năm cái phúc ta vẫn mong là “phú, quí, thọ, khang, ninh”, giầu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh và bình an.

Ra thân người. Có con là điều tốt, có nhiều con là điều tốt hơn. Nhưng có con thành thân thành người mới là chính yếu quan trọng. Muốn được thế, cha mẹ phải làm sao cho chúng “ra”. Chữ “ra” nghĩa thứ nhất là “ra khỏi” như “ra khỏi nhà”. Nghĩa thứ hai là trở nên, trở thành, hóa ra. Chữ “ra” ở đây không gì khác hơn là chữ “giáo dục” mà ta dùng hiện nay. Giáo dục, như chữ “ra”, đầu tiên có nghĩa là việc làm cho ta ra khỏi sự tối tăm, dốt nát, non dại, và sau đó đưa ta trở thành thông bác, khôn ngoan, đạo đức. Sinh con là một phúc đức của vợ chồng và giáo dục con thành thân thành người là bổn phận của cha mẹ. Mục tiêu giáo dục con cái mà cha mẹ ở gia đình phải đạt đến là thành thân thành người.

Thân người. Chữ thân trước nhất chỉ thân xác, thân thể, hình dáng thể lý. Giáo dục bởi vậy đầu tiên phải chú trọng đến thân xác, sao cho phát triển, khỏe mạnh, lành lặn. Không lạ gì khi việc nuôi cho ăn uống để lớn lên là một trong những việc được kể ra trong cửu tự cù lao. Bảo rằng giáo dục Á Đông lãng quên giáo dục thân thể là bày tỏ một sự thiếu hiểu biết về tư tưởng Việt Nam và Á Đông.

Chữ “thân” còn có nghĩa là bản thân mình, nhân vị mình, như trong các chữ “thân kỷ”, “thân phận”. Và từ đó ám chỉ những tương quan thân cận của mình với những người khác như “thân gia, thân quyến, thân thích, thân thuộc, thân tộc, thân tu,…”. Giáo dục bởi vậy, thứ đến, phải chú trọng đến nhân vị và tình cảm.

Chữ người bày tỏ một tính chất độc đáo của loài người. Ca dao Việt Nam diễn tả tính chất độc đáo của loài người như sau. Xin trích vài câu làm mẫu:

Đã sinh ra kiếp ở đời,
Trai thời trung hiếu đôi vai cho tròn.
Gái thời trinh tịnh lòng son,
Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai.
Trai lành gái tốt ra người
Khuyên con trong bấy nhiêu lời cho chuyên
Làm người phải biết cương thường
Xem trong ngũ đẳng, quân cương ở đầu.

Có thể bảo rằng tính chất luân lý là nét độc đáo nhất của con người. Chỉ con người mới có thể có hành động luân lý. Nhưng chữ luân lý không chỉ giới hạn vào đạo đức, nhưng bao hàm cả nghề nghiệp, trí tuệ và quốc gia, xã hội nữa. Trong sách Đại Học, thầy Tăng Tử thâu góp những lời dạy của Đức Khổng Tử, soạn thành hai chương, để dạy người ta sống cho đúng là người. Trước nhất là “Tam cương lãnh”, tức là ba điều cốt yếu tổng quát mà lúc nào, ở đâu và ai ai cũng phải lưu ý. Đó là “minh đức” : sửa nết cho sạch, “tân dân” : dậy dân phong hóa cho mỗi ngày mỗi mới mẻ và “chỉ chí thiện” : cho đến mức tốt đẹp nhất. Rồi đến “Bát điều mục”, tức là tám điều áp dụng thực tế và theo chuyên biệt khu vực. Đó là “cách vật” : học điều gì phải cho đến nơi, “trí tri” : biết điều gí phải cho đến chốn, “thành ý” : ý tưởng phải cho thành thật, “chánh tâm” : để bụng việc gì phải cho ngay thẳng, “tu thân” : tu sửa bản thân, nhân vị mình, “tề gia” : điều khiển, cư xử việc nhà cho ổn thỏa, có gia phong, “trị quốc” : lo việc mình cho phải phép để nước được thịnh trị và kỷ cương, “bình thiên hạ” : góp phần lo cho thiên hạ được thái bình.

Chữ người ở đây, bởi vậy, nói theo kiểu ngày nay, bao gồm bốn khía cạnh lý tưởng giáo dục không thể thiếu được. Đó là trí dục, đức dục, xã hội và dậy nghề.
“Sinh con mới ra thân người” là xác định bổn phận thứ ba của hôn nhân và sứ mệnh thứ nhất của gia đình: sứ mệnh phải giáo dục con cái “cho ra thân người”. Giáo dục thân thể, giáo dục nhân vị, giáo dục tình cảm, giáo dục lý trí, giáo dục dục tình, giáo dục công dân xã hội và giáo dục nghề nghiệp.

2. Làm ăn thịnh vượng đới đời ấm no 

Sau sứ mệnh sinh dưỡng và giáo dục con cái, có tính cách dài hạn và hướng về tương lai, là sứ mệnh phải làm ăn để được thịnh vượng ấm no. Sứ mệnh này có tính cách kinh tế, thực tế hàng ngày.

Làm ăn. Nói “làm ăn” là để phân biệt với “làm”. Nếu chỉ có “làm” không, thì chữ làm là làm việc, mà đức tính cần cù là căn bản. “Làm ăn” đây, nói theo kiểu ngày nay là hành nghề. Và việc hành nghề phải có lời để kiếm ăn. Chúng ta lưu ý tính cách thiết thực và mục đích cận kề của nó: làm để ăn, hoặc ăn để làm. “Làm ăn” bởi vậy bao hàm tư cách hành nghề, như “làm chủ, làm thợ, làm công, làm mướn, làm thuê, làm khoán…”. “Làm ăn” cũng bao hàm cái nghề mình làm, như “làm nông, làm thày, làm thơ, làm quan, làm buôn, làm bán,…”

Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, có bốn ngành kinh tế để người ta làm ăn. Đó là làm hành chánh (sĩ), làm canh nông (nông), làm kỹ nghệ (công), làm thương mại (thương). Trong tổ chức kinh tế tân tiến hiện đại, ngàn vạn nghề khác nhau, cũng qui về bốn ngành nghề căn bản này. Trước nhất là ba lãnh vực kinh tế có tính cách thị trường: nông nghiệp, công nghiệp kỹ nghệ và thương mại dịch vụ. Thêm một lãnh vực không có tính cách thị trường, đó là công chức hành chánh.

“Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no”. Làm ăn ở đây không nhất thiết phải làm nghề gì, nhưng quan trọng là phải đạt được hai chỉ tiêu sau đây: thịnh vượng và ấm no. Chúng ta lưu ý quan niệm quản trị làm ăn rất hiện đại của Việt Nam. Đó là quan niệm quản trị theo mục tiêu. Chi tiêu thứ nhất là cho công việc mình làm, xí nghiệp mình điều khiển được thịnh vượng. Chỉ tiêu thứ hai là cho gia đình mình, đời mình đến đời con, có chỗ chi tiêu, có ăn no mặc ấm. Sự phân chia lợi tức cũng đã được phác họa.

Tại sao thịnh vượng ấm no lại là một sứ mệnh của gia đình? Tại vì nếu không có ăn no mặc ấm, là những nhu cầu tối thiểu để sinh tồn, và nếu không có thịnh vượng để thỏa mãn những đòi hỏi cần thiết khác, thì làm sao có thể có phương tiện để dậy con thành người? Làm sao có điều kiện thuận lợi để làm cho gia đình được yên vui hạnh phúc? Thiếu ấm no thịnh vượng thì định chế gia đình có nhiều nguy hiểm suy nhược và tan rã.

Thiếu ấm no thịnh vượng, thì ở mức thấp hơn, là ở mức các phần tử gia đình, các cá nhân này sẽ có thân thể suy nhược: đói rách hơn, ốm yếu hơn, chết sớm hơn, tâm linh yếu hèn: khó tự chủ, khó sáng suốt, khó khí khái, dễ nhu nhược, dễ gian dối, dễ trộm cắp, dễ cờ bạc, dễ nghiện ngập, dễ dị đoan, và địa vị xã hội thấp kém: làm tôi tá, làm đầy tớ, làm nhập cư, không có tiếng nói, không có địa vị, sống trong xã hội mà ở ngoài rìa xã hội.

Thiếu ấm no thịnh vượng, thì ở mức độ cao hơn, là mức thôn xã, quốc gia, xã hội, thì xã hội nào có nhiều gia đình nghèo đói là xã hội có nhiều nguy hiểm, mà nguy hiểm lớn nhất là bất công, tham nhũng và độc tài. Rồi từ bất công, tham nhũng, độc tài, sinh ra loạn lạc, chiến tranh. Từ bất công, tham nhũng, độc tài, loạn lạc, chiến tranh sinh ra nghèo đói, ngu dân. Phải hiểu cái vòng luẩn quẩn này, thì mới hiểu được tư tưởng khôn ngoan của Việt Nam, đưa “làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no” làm bổn phận thứ tư của hôn nhân và làm sứ mệnh thứ hai của gia đình.

Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no. 

Qua bốn vần thơ với 28 chữ vắn gọn ấy, một tư tưởng thâm thúy của người Việt Nam bình dân đã được tích trữ và giải bày về vợ chồng, hôn nhân và gia đình. Căn bản để định nghĩa hôn nhân vợ chồng là một định chế xã hội công khai chấp nhận việc nam nữ yêu thương ái ân, nhưng đòi phải chung thủy. Mục đích của hôn nhân là xây dựng một gia đình hạnh phúc, trong đó chồng hòa, vợ thuận và gia đình đạo đức. Sứ mệnh của hôn nhân gia đình là sinh con và giáo dục chúng để thành thân thành người. Và sau hết, bổn phận của gia đình là phải làm ăn để đạt chỉ tiêu thịnh vượng cho xí nghiệp, cho xã hội và ấm no cho gia đình. 

Tác giả bài viết: Gs Trần Văn Cảnh, Pháp

Trả lời