Kitô giáo với các mùa phụng vụ được lập ra quanh năm không chỉ nhằm thực hiện các lễ nghi, nhưng mỗi mùa có những ý nghĩa và thông điệp riêng nhằm hướng tâm hồn Kitô hữu chuẩn bị ngày một tiến sâu, tiến gần hơn đến thực tại Nước trời, đối diện với Đấng là Anpha và Ômega. Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia: Mùa Vọng (tiếng Việt nghĩa là “trông chờ”, “hy vọng”; tiếng Latinh: adventus nghĩa là “đến”). Để Mùa Vọng không đến rồi đi cách vô nghĩa chúng ta cần chuẩn bị ngay bây giờ một tâm hồn sạch sẽ, ấm áp với thái độ: lắng nghe, yêu thương và hoán cải để đón Ngôi Hai đến và ngự lại mãi mãi trong tim ta.
Lắng nghe
“Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Lời kêu gọi của Thánh Gioan Tiền hô hơn hai ngàn năm trước giờ vẫn vang lên trong mỗi Mùa Vọng để nhắc nhở chúng ta lưu tâm tới con đường thiêng liêng dẫn đưa ta đến với Thiên Chúa. Trong mỗi con người có biết bao nhiêu thói hư tật xấu cần phải dẹp bỏ, có biết bao nhiêu lầm lỗi, sai quấy cần phải sửa. Kinh nghiệm cho thấy uốn nắn con tim, đổi mới tâm hồn thật không dễ chút nào. Việc này không thể một sớm một chiều cũng như không thể với người luôn hướng ngoại, nhưng cần một thời gian tạm tách rời khỏi cuộc sống bon chen để tâm hồn được lắng đọng và tự vấn lương tâm để được Chúa Thánh Thần tác động rồi đi đến quyết tâm đổi mới tâm hồn.
Điều quan trọng nhất là lắng nghe tiếng Chúa và sau đó để Lời ấy chiếm hữu, mở lòng chúng ta nhận ra tiếng nói của tha nhân: tiếng của đói khát vật chất tinh thần, tiếng của cô đơn bị lãng quên giữa rừng người, tiếng của đàn áp bất công… Khi nghe và đón nhận bằng con tim hiền lành của Chúa chúng ta mới có thể yêu thương như Chúa đã yêu thương.
Yêu thương và hoán cải
Sau những giờ phút lắng nghe, chất vấn lương tâm thì tâm hồn mỗi người sẽ thăng hoa cách tốt đẹp. Dấu hiệu cho sự cải biến nội tâm ấy không gì khác hơn là lòng cảm thông, bác ái chân thật. Tâm tình đón đợi Chúa đến cách có ý nghĩa cũng chính là nghĩ đến tha nhân, là đem sự yêu thương và tình bác ái đến với họ. Liệu có đẹp lòng Chúa không khi ta tham dự thánh lễ, xưng tội rước lễ sốt sắng trong Mùa Vọng nhưng trong lòng lại chất chứa toàn sự kiêu căng, ganh ghét, hận thù? Đón Chúa trong mùa Giáng sinh có còn ý nghĩa không khi ta không tiếc tiền trăm, bạc tỉ cho việc ăn xài, mua sắm những thứ không cần thiết, trong khi những người cùng khổ chỉ cần một phần nhỏ số tiền đó cũng đủ làm cho họ ấm lòng?
Thân phận con người thật là mỏng dòn, nay còn mai mất. Mùa Vọng nhắc nhở mỗi Kitô hữu về ngày Chúa sẽ đến. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải nhìn nhận sự thật cuộc sống có hai chiều kích hiện tại và mai sau. Cuộc sống hiện tại thì ngắn ngủi và tạm bợ so với cái vĩnh cửu đời sau. Hiện tại chính là cơ hội thanh luyện, thử thách để con người tiến tới ngày sau hết “giờ chết” của mỗi người. Vì vậy các Kitô hữu cũng phải sống sao để ngày gặp Chúa là ngày hạnh phúc chứ không phải run sợ trước Ngài.
Chúa đã đến trần gian từ hơn hai ngàn năm qua, nhưng nhiều lúc ta đã sống như không có Chúa, hay rất nhiều lần lãng quên thậm chí khước từ Chúa để chạy theo tiếng gọi của bả danh vọng, thú vui đam mê trần tục có khi bất chấp cả những hành động tà ác. Mùa vọng là thời điểm để người tín hữu kiểm điểm lại cách sống để lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn mình mà trở về cùng Người.
Sau cùng, Giáo hội muốn dùng Mùa Vọng để thức tỉnh người tín hữu sửa chữa con đường ‘tâm hồn’ cho ngay thẳng. Cách sửa đẹp nhất là thể hiện tình thương và lòng bác ái Kitô giáo để đem đến cho nhau niềm hy vọng, tình yêu thương, niềm vui và bình an. Ngôi Hai chính là ngôi sao hy vọng mà nhân loại chờ mong để xua tan bóng đêm đang vây bọc nhân thế trong tội lỗi.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu