Một ý nghĩa của mầu nhiệm Vượt Qua
Phục Sinh 2011
Kitô hữu chúng ta dễ dàng tin nhận Mầu nhiệm Vượt Qua tức là Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô chính là đỉnh cao, là sự viên mãn của công trình cứu độ của Thiên Chúa. Thế nhưng thử hỏi công trình cứu độ của Thiên Chúa là gì thì vẫn có đó nhiều dị biệt trong các quan niệm. Đã từng một thời gian rất dài chúng ta nhìn Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô như là một sự tái tạo. Nói đến tái tạo nghĩa là giả thiết công trình sáng tạo của Thiên Chúa đã hoàn thành hoặc cũng có thể giả thiết rằng công trình sáng tạo đã bị đổ vỡ, hỏng hư cách nào đó mà giáo lý có lẽ khởi đi từ thời thánh giáo phụ Irênê và được thánh Augustinô củng cố, đã quy kết là do tội nguyên tổ gây ra. Bài Hoan ca Phục Sinh được long trọng cất lên trong đêm lễ Vọng Phục Sinh cũng đề cập đến yếu tố này, dù rằng đã có cái nhìn tích cực khi xem đó là “tội hồng phúc”.
Đã cho rằng Cuộc vượt Qua của Chúa Kitô như là công cuộc tái tạo và hiệu quả của công cuộc ấy lại tốt đẹp hơn cả công cuộc sáng tạo thì dường như vẫn chưa ổn. Vì bên cạnh đó chúng ta con nhìn nhận rằng vết tích của nguyên tội vẫn chưa được xoá sạch chẳng hạn như đau khổ vẫn còn đó, sự chết vẫn còn đó và ngay cái khuynh hướng tiêu cực mà thánh Phaolô cảm nghiệm là “những gì tôi muốn thì tôi không làm, còn những gì tôi không muốn thì tôi lại làm” vẫn còn đó nơi các tín hữu Kitô, kể cả nơi các thánh nhân.
Ngày nay có lẽ ít có ai ngây ngô cho rằng chỉ vì tội của một cặp tổ tiên loài người vốn rất hoang sơ mà di hại cho cháu con loài người đến thiên thu vạn đại. Hơn nữa, khoa Kinh Thánh cho chúng ta hay rằng không hề có cái tội của một người tên là Ađam vì thực ra Ađam không phải là tên của một người nhưng từ ngữ Ađam có nghĩa là con người cách chung. Dominique Morin đã trích lời của Martelet: “Nếu Thượng Đế tạo nên con người để rồi rình chờ nó phạm cái tội đầu tiên là giáng phạt nó phải chết và toàn thể nhân loại sau đó cũng phải chết, thì Thượng Đế quả đáng tội! Chỉ vì một người và vì một tội duy nhất mà đẻ ra sự chết và mọi sự giới hạn thì quả là không công bằng; Thượng Đế mà như thế thì chỉ tổ làm cho người ta vô thần thôi!” (x.Gọi Tên Thượng Đế – Dominique Morin – trang 233-234).
Các Đức Thánh Cha gần đây như đức cố Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI khuyến khích các nhà thần học tái khám phá chân dung của nguyên tội. Nhiều nhà thần học hiện đại đồng thuận với nhau rằng nguyên tội là tình trạng trì trệ của loài người nói chung vốn làm cản trở con người vươn lên. Theo thiển ý thì đây là tình trạng mê lầm của con người do dục vọng ích kỷ gây nên.
Sách Sáng Thế tường thuật lỗi lầm của nguyên tổ là muốn biết sự lành, sự dũ như các vị thần. Lỗi lầm của tổ tiên loài người không phải ở chỗ muốn biết điều lành điều dữ, vì đây là một việc làm chính đáng và phải đạo. Đã là người có trí khôn thì phải vận dụng khả năng Thiên Chúa ban để nhận biết điều tốt – xấu, lành – dữ, hầu sống cho xứng với phận mình là loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình được dựng nên. Cái lỗi và cũng là cái lầm của nguyên tổ đó là muốn phân định điều tốt – xấu, lành – dữ dựa trên các tiêu chí do mình đặt ra và điều này được ám chỉ qua cụm từ “như các vị thần”(x.St 3,5). Con người vốn bị dục vọng ích kỷ chi phối nên bị cám dỗ lấy lợi ích riêng mình làm tiêu chí phân định điều tốt – xấu, lành- dữ. Những gì hợp với tôi, có lợi cho tôi thì được cho là tốt là lành và ngược lại. Như thế thì điều lành dữ, tốt xấu có thể nói là mang tính chủ quan. Chuyện thường tình đó là được mùa lúa thì úa mùa xoài; trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa. Có nhiều điều được xem là lành vì có lợi cho người này thì bị xem là dữ vì gây hại cho người kia. Tình trạng hỗn độn dĩ nhiên xuất hiện.
Ngay trong đời thường chúng ta dễ chấp nhận sự thật này đó là chỉ có nhà sản xuất mới có đủ quyền và có khả năng thẩm định sự tốt xấu các sản phẩm mình làm ra vì chính họ là người đặt ra các tiêu chí của sản phẩm. Nếu tin Thiên Chúa là Đấng dựng nên mọi vật mọi loài từ hư vô thì chúng ta có thể khẳng định rằng chỉ mình Người mới có thẩm quyền phân định sự gì là tốt hay xấu, lành hay dữ theo các tiêu chí mà Người đặt ra. Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều là tốt đẹp. Là loài thụ tạo, con người chỉ tốt đẹp khi hiện hữu đúng theo đường lối Thiên Chúa vạch ra.
Chương trình, ý định của Thiên Chúa được tỏ bày cách tiệm tiến theo dòng thời gian. Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Người qua các kỳ công Người thực hiện là vũ trụ thiên nhiên, qua tiếng lương tâm mà Người đặt để trong lòng mỗi người mà các học giả đều đồng thuận với hạn từ là “luật đạo đức”, qua các biến cố lịch sử, nhất là qua dòng lịch sử dân được tuyển chọn. “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Cuộc đời, các hoạt động, lời giảng dạy, đặc biệt cuộc Tử Nạn – Phục Sinh của Chúa Kitô chính là Lời của Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại cách đủ đầy và hoàn hảo. Sự lành – dữ, tốt – xấu từ nay đã được mạc khải cách rõ ràng, minh thị.
Có nhiều nguyên nhân gây ra cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên trong các nguyên nhân như là sự ganh tương đố kỵ của nhiều lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ, như việc Chúa Giêsu thường xuyên vi phạm các luật lề hay truyền thống của người Do Thái… thì phải nói rằng cái nguyên nhân có tính quyết định trên án tử hình khổ giá của Người đó là vì Người tự xưng là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Mt 26,63-66). Nhiều nhà lãnh đạo Do Thái lúc bấy giờ muốn giết Chúa Giêsu nhưng vẫn còn sợ dân chúng. Chỉ với lý do duy nhất là Giêsu đã phạm thương tự xưng là Con Thiên Chúa thì họ mới có thể khiến cho dân chúng đổi ngược thái độ hoàn toàn, từ những lời hoan hô “chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến” trước đó dăm ngày trở thành tiếng gào thét “đóng đinh nó vào thập giá”. Chính Chúa Giêsu cũng biết rõ điều này vì trước đó người Do Thái đã từng nói với Người rằng chúng tôi lấy đá ném ông không phải vì những việc lành ông đã làm nhưng vì ông là người phàm mà tự xưng là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, có tự đời đời, trước cả tổ phụ Abraham (x.Ga 10,33), Dù biết trước và biết rõ sự gì sẽ xảy đến cho mình, thế nhưng chúa Giêsu vẫn sẵn sàng đón nhận để làm chứng cho sự thật trước cả thần quyền lẫn thế quyền” (x.Ga 18,37-38).
Chổi dậy từ cõi chết, phục sinh vinh hiển, Chúa Giêsu đã khẳng định căn tính Thiên Chúa của mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm chủ trên sự sống lẫn sự chết. Người đã tuyên bố trước đó rằng không một ai trên trần gian này có quyền trên sự sống của Người, nhưng chính Người tự ý trao dâng mạng sống của Người và rồi sẽ lấy lại (x.Ga 10,18).
Mầu nhiệm Phục Sinh có nhiều ý nghĩa nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng ý nghĩa khẳng định Thiên tính của Chúa Giêsu là ý nghĩa nền tảng và quan trọng nhất. Tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật thì hệ quả tất yếu kéo theo đó là phải đón nhận lời của Người, cuộc đời của Người làm tiêu chí, làm kim chỉ nam để phân biệt điều lành – dữ, tốt – xấu, hầu sống hữu ích, có ý nghĩa và dĩ nhiên là để có được hạnh phúc đích thực.
Là con người, không ai là một hòn đảo. Không ai sống cho mình và cũng không ai chết cho mình. Một tiêu chí nền tảng mà Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta trước khi Người chịu tử nạn đó là hãy biết sống yêu thương nhau trong tình liên đới đến cùng như Người đã yêu thương chúng ta (x.Ga 15,12-17), đặc biệt là yêu thương liên đới với những người bé mọn, cô thân, kém phận (x.Mt 25,31-46).
Mầu nhiệm Vượt qua của Đấng Cứu Độ chính là đỉnh cao, là sự hoàn tất của sự mạc khải. “Khi các ngươi giương Con Người lên cao thì các người sẽ nhận biết Ta là Đấng Hằng hữu”(x.Ga 8,28). Tin nhận Chúa Kitô là Đấng hằng hữu thì chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự mê lầm, một sự mê lầm đã giam cầm nhân loại trong bóng tội lỗi (x.Lc 23,34).
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột