Giáo Phận Bùi Chu mừng kính Thánh Đaminh – Quan thầy đệ nhị giáo phận 08/08/2014

GIÁO PHẬN BÙI CHU MỪNG KÍNH THÁNH ĐA-MINH – QUAN THẦY ĐỆ NHỊ GIÁO PHẬN

Theo truyền thống có từ lâu đời trong Giáo phận, hàng năm cứ đến ngày 08/08 bà con giáo dân trong khắp các giáo xứ trong Giáo phận, khắp các vùng miền lại trẩy hội về nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu, cùng chung niềm vui với Giáo phận, mừng kính vị cha chung, bổn mạng riêng Giáo phận.

Ngay từ 07h00 sáng hôm nay, đã có hàng ngàn tín hữu, bằng các loại hình phương tiện khác nhau trên khắp các nẻo đường ùn ùn kéo về nhà thờ Chính Tòa, gần như các con đường hướng về Tòa Giám Mục và nhà thờ Chính Tòa, Bến đò Fa-ti-ma, Phố Bùi Chu đã chặt ních người, càng vào sâu bên trong càng thấy đông đúc, Ban tổ chức và Ban bảo vệ đã phải làm việc rất vất vả để phục vụ tốt nhất cho thánh lễ này.

Phía quảng trường La Vang, Khu nhà Dục Anh, Nhà xứ Chính Tòa, Tòa Giám Mục… một rừng người bao phủ trên mọi chỗ làm cho không khí đông đảo và sốt sáng hơn bao giờ hết, phía trên nhà nguyện TGM vẫn có một số cha trực tòa sẵn sàng giải tội cho giáo dân, còn bên trong nhà thờ chính tòa tuy đã chặt kín người nhưng đâu đó vẫn vang vọng tiếng kinh cầu của bà con giáo dân khắp nơi trong Giáo phận.

Lúc 08h30 cả cộng đoàn hướng về lễ đài nguyện kinh, bắt đầu cho 1 ngày lễ thật long trọng, 08h45 đoàn lễ nghi từ Tòa Giám Mục tiến ra quảng trường La Vang trong tiếng vỗ tay hân hoan của cộng đoàn, đi đầu là thánh giá nến cao, quý thầy Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu, quý cha và Đức Cha Chủ tế. Thánh lễ được cử hành lúc 9h00 do Đức cha khả kính chủ sự, tham dự thánh lễ có hơn 150 linh mục, quý cha quản hạt, quý cha trong và ngoài giáo phận.

Hát phụng cụ trong thánh lễ là ca đoàn giáo xứ Đền Thánh Kiên Lao. Mở đầu thánh lễ, Đức cha Tôma giáo phận đã chào mừng tất cả quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể tín hữu Giáo phận Bùi Chu đã không quản ngại đường xá xa xôi, thời tiết thay đổi thất thường về với Nhà thờ Chính Tòa để cùng tham dự Thánh Lễ trọng thể kính Cha Thánh Đaminh – Đấng Tổ phụ Dòng anh em giảng thuyết, Bổn mạng đệ nhị Giáo phận Bùi Chu. Trong ngày vui trọng thể của giáo phận, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cách riêng cho Đức cha cố Giuse. Toàn thể giáo phận Bùi Chu chúng con xin kính chào và cảm tạ Ðức cha, vì chúng con biết Ðức cha vẫn sống và như thể Ðức cha đang nói với chúng con qua lời sách Gióp: “Tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống… Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, không còn xác thân này, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người và đôi mắt tôi sẽ chiêm ngắm Người, thân thiện chứ không phải như người xa lạ” (G 19,25-27). .

Cũng trong bài chia sẻ Lời Chúa, Đức cha nhấn mạnh rằng: “Hôm nay giáo phận Bùi Chu chúng ta long trọng cử hành lễ quan thầy bậc nhì của giáo phận chúng ta: cha thánh Đaminh. Giáo dân giáo phận Bùi Chu có lòng sùng kính Thánh Đaminh cách rất đặc biệt, ngày lễ đầu dòng hàng năm như một ngày hội lớn, con cái Bùi Chu từ khắp nơi “trẩy hội” về nhà thờ chính tòa Bùi Chu”. Ngày lễ kính Thánh Đaminh không thể không nhắc đến những nhân đức anh hùng của Thánh Đaminh, không những chỉ để chiêm ngắm, tự hào nhưng còn để con cái hôm nay noi gương sáng của Thánh nhân mà sống và thực hành ý Chúa trong cuộc đời với lòng khiêm tốn và vâng phục tự nguyện.

Mặc dầu là tổ phụ của một Dòng chuyên việc giảng thuyết, Thánh Đa Minh không phải là nhà Thuyết Giáo bẩm sinh. Ngài đã phải nỗ lực nhiều để trở thành nhà Thuyết Giáo. Nếu Đức Giêsu có 30 năm ẩn dật ở Nagiarét, thì Đa Minh khởi sự giảng thuyết khi đã 35 tuổi, sau một tiến trình dài chuẩn bị có định hướng trong học hành và cầu nguyện. Tiếp theo đó là 10 năm du thuyết theo sự thúc đẩy của Thánh Thần. Cha Đa Minh đã hình thành những kinh nghiệm sâu sắc để truyền thụ cho môn sinh mình trong sáu năm cuối đời.

 

1. Thánh Đaminh là con người của cầu nguyện

Ngay từ khi chào đời và trong suốt thời thơ ấu, Đa Minh đã được sống trong bầu khí thuận lợi cho sứ vụ trong tương lai. Tuy thuộc gia đình quí tộc, mọi người đã đón chờ và nuôi dưỡng cậu để trở thành giáo sĩ chứ không phải hiệp sĩ. Đa Minh được theo học tại trường nhà thờ chính tòa Palencia. Nơi đây, Đa Minh không màng đến văn chương nghệ thuật, chỉ miệt mài học hỏi Lời Chúa. Đến độ “nhiều đêm gần như không ngủ để học hỏi Kinh Thánh”.
Sau này Kinh Thánh vốn là nguồn suy niệm không bao giờ cạn của thánh Đa Minh. Hành trang ngài luôn mang theo là Phúc Âm thánh Matthêu và các thư thánh Phaolô. Trên đường đi thuyết giáo, mỗi tối ngài đưa các bạn đồng hành vào nơi thanh vắng, cùng nhau đọc một vài đoạn Sách Thánh và chia sẻ cho nhau những gì mình suy niệm. Còn giờ đây ở Palencia, Đa Minh đang nghiền gẫm và khám phá Đức Kitô cũng như giáo huấn của Ngài.

Vì đối với một sinh viên trẻ, bộ Tin Mừng và phần chú giải mà mình đã bỏ bao nhiêu thời gian để nắn nót ghi chép là cả một gia tài vô giá không thể lìa xa. Thế mà, chàng sinh viên Đa Minh đã đem bán gia tài ấy cùng với những vật dụng khác để có tiền giúp người nghèo. Anh nói : “Tôi không thể học trên trên những miếng da chết đang khi người khác chết đói”. Như thế Tin Mừng đối với Đa Minh không còn là những hàng chữ chết nữa, mà đã trở thành Lời ban sự sống. Thánh Jordano nhấn mạnh quyết định bán sách của Đa Minh được thực hiện nhanh chóng, ngay lập tức, vì muốn thực hiện Lời Chúa : “Ai muốn nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo, đoạn hãy theo Tôi” (Mt.19,21). Chúa lên tiếng gọi và Đa Minh đã đáp trả vững vàng.

Là người từng chung sống, chứng kiến và nghe cha Đa Minh cầu nguyện, chân phước Jordano ghi rằng: “Cha thường cầu nguyện suốt đêm, Chúa đã ban cho cha ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và người sầu khổ. Cha cảm thông với những sầu khổ của họ tận đáy lòng, và biểu hiện ra bên ngoài bằng những dòng nước mắt. Có khi giữa đêm thanh vắng. Ngài lớn tiếng kêu nài : “Chúa ơi! Rồi đây các tội nhân sẽ ra sao? ”

Đó là sự đồng cảm với Đức Kitô, yêu nhân gian bằng những rung cảm, thao thức của chính Chúa thuở xưa. Tình yêu đó thúc đẩy cha, trong giờ cầu nguyện, thân thưa với Chúa về những người đã gặp, học với Chúa để biết xót thương và cảm thông với những người sẽ gặp: “Lúc nào cha cũng cầu xin cho được lòng bác ái đích thực để mưu tìm và chăm lo phần rỗi cho mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng chỉ khi nào mình noi gương Chúa Cứu Thế, hiến toàn thân toàn sức cứu rỗi các linh hồn thì mới thực sự trở thành chi thể của Chúa”.

Cha không hề nghi ngờ Thiên Chúa Đấng hằng xót thương. Cha chỉ xin Chúa mở rộng cõi lòng mình để biết yêu thương và cảm thông. Và trong giờ kinh nguyện nồng cháy đó, cha muốn đưa hết thảy lương dân, người Do thái, người Hồi giáo hay anh em Ly giáo… nghĩa là tất cả, đến với Chúa Cứu Thế.
Lời cầu nguyện đó biểu lộ lòng cha yêu thương các tội nhân. Cha lấy tấm lòng của Thiên Chúa để ôm ấp họ. Cha không chuyển cầu cho bằng “kết hợp” ngày càng sâu xa hơn với Đức Giêsu, là Đấng trên Thánh Giá đã dạy cho loài người nghệ thuật yêu thương. Và như thế đó, hết đêm này tới đêm khác, cha Đa Minh học với Chúa nghệ thuật giảng thuyết. .

2. Chân dung nhà thuyết giáo

Cha Đa Minh thường chọn đi giảng ở Carcassone, vì ngài nói : “Ở Toulouse này tôi gặp nhiều người ca tụng, còn ở Carcas-sonne, mọi người chống lại tôi”. Quả thế, tại vùng đó, đối phương sỉ nhục ngài đủ cách. Họ nhỗ nước miếng, ném bùn, nhét rơm vào áo rồi chế diễu. Như các tông đồ xưa, ngài sung sướng được chịu sỉ nhục vì Danh Chúa Kitô, kiên cường không lùi bước trước trở ngại đe dọa. Ngài bình thản tiếp tục hành trình, vui vẻ ca hát.
Viện phụ Guillaume de Pierre, một nhân chứng đương thời cho ta biết : “Đa Minh khát khao mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn … Ngài hăng say rao giảng ngày đêm, trong nhà thờ, nơi nhà riêng, giữa cánh đồng và ngay trên đường đi. Ngài không ngừng công bố Lời Chúa, cổ võ anh em cũng làm như vậy, bao giờ cũng chỉ nói về Chúa. Ngài từ chối chức giám mục Conséran… Ngài âu yếm an ủi anh em bệnh tật, kiên nhẫn khích lệ những người nản chí. Ngài quảng đại tặng người nghèo mọi thứ mình có. Ngài không có giường nào ngoài nhà thờ, nếu không có nhà thờ, ngài ngủ ghế, ngủ đất, hoặc tháo nệm gia chủ trải để nằm trên trỉ giường. Bao giờ tôi cũng thấy ngài mặc áo chùng, vá trên vá dưới. Ngài luôn luôn mặc áo xấu nhất trong anh em. Ngài cổ võ người này kẻ khác sống đức tin và bình an”.

Có lẽ từ năm 1213, cha Đa Minh phổ biến Kinh Mân Côi, khi đó còn dưới dạng thức đơn giản “Kính Mừng Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc hơn mọi người nữ”. Nhóm Cathares vốn coi vật chất là điều xấu, họ không tin Chúa Giêsu nhập thể trong xác phàm và như thế họ cũng chối nhân tính đức Giêsu trên Thánh Giá. Lời kinh Mân Côi đơn sơ nhắc nhớ đến mầu nhiệm nhập thể và cứu độ, có sức tác động giúp suy niệm về cuộc sống, cuộc khổ nạn và vinh quang của Đức Giêsu, đưa nhiều người rời bỏ lạc giáo

3. Chân Dung Một Người Cha

Những nét căn bản nhất trong linh đạo Dòng Anh em Giảng Thuyết được Thánh Đaminh sáng lập. Đó là tinh thần cầu nguyện, hăng say học hành, và nhiệt tình loan báo Tin mừng cho tha nhân. Bên cạnh đó là tấm lòng trắc ẩn, tinh thần khó nghèo phó thác, và tình yêu dành cho Mẹ Maria Đấng Bảo Trợ.
Những lời trăn trối cũng là gia sản Cha Đaminh để lại cho anh em : Hãy sống bác ái, khiêm tốn và khó nghèo tự nguyện”.

Ngày 6/8/1221,thánh nhân qua đời tại Bologne nước Ý. Năm 1234, Đức Thánh Cha Grêgoriô IX tôn phong Đaminh lên bậc hiển thánh. Cuộc đời của thánh Đaminh không dài lắm từ 1170-1221, nhưng đã để lại gương sáng tuyệt vời về đời sống dựa theo Tin Mừng và Ngài đã loan truyền cách rất thành công lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria và khuyến khích, thúc giục mọi người năng lần chuỗi mân côi vì tràng chuỗi mân côi là khí giới của sự an bình, giây bền đỗ cho con người .

Xin cho mỗi người chúng ta biết học nơi thánh Đaminh lòng bác ái vị tha để trong mọi hoàn cảnh luôn biết sống cho đi, vì chính lúc cho đi lại là lúc nhận lãnh. Nguyện xin thánh Đaminh luôn phù hộ để chúng ta biết sống từng ngày là những trang tin mừng được mở ra cho thế giới hôm nay.

Thánh Lễ tiếp tục với phần lời nguyện giáo dân, Giáo phận dành riêng lời nguyện thứ 4 để cầu xin cho Đức Cố Giám mục Giuse nhân ngày giỗ một năm của Ngài, tất cả cộng đoàn chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho Ngài sớm về hưởng tôn nhan Chúa và xin Ngài cầu bầu cho Giáo phận mỗi ngày thêm vững mạng trong Đức Tin và trong truyền thống Kitô giáo.

Trong tâm tình ca kết lễ, cả cộng đoàn hướng về Đức Cha Tôma, vậy là đã gần một năm Ngài kế vị Đức Cha cố Giuse coi sóc Giáo phận Mẹ Bùi Chu. Với tâm tình yêu thương, trìu mến và tình phụ tử sâu sắc, hàng ngày Đức cha vẫn bước đi nhẹ nhàng ban ơn thánh của Chúa, ban phép lành giám mục cho từng giáo dân, từng con chiên giáo phận Bùi Chu mà ngài được trao phó coi sóc. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ngài và xin cho ngài luôn được tràn đầy Thần khí Thiên Chúa để Đức cha mãi mạnh khỏe, sáng suốt dẫn dắt Dân Thánh của Chúa về bến đỗ bình an và hạnh phúc.

Một số hình ảnh trong thánh lễ:

 

Nguồn ảnh: www.phunhai.net

Trả lời